Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố Bộ quy tắc ứng xử "Người Nhân văn" áp dụng cho người học, viên chức và người lao động của trường không chỉ trong phạm vi nhà trường mà cả bên ngoài trường.
Không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh là quy định mới
Bộ quy tắc ứng xử quy định về trang phục, tác phong nơi làm việc và học tập; ứng xử trong quá trình làm việc, học tập, rèn luyện tại trường; ứng xử trên không gian mạng; ứng xử tại nơi công cộng và nơi cư trú. Bên cạnh đó, bộ quy tắc có điều dành riêng về ứng xử của người học, ứng xử của viên chức và người lao động.
Đáng chú ý, quy định ứng xử trong quá trình làm việc và học tập tại trường có nội dung: "không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức và người lao động khi chưa được sự đồng ý của người học, viên chức và người lao động".
Người thực hiện tốt quy tắc được xem xét biểu dương, khen thưởng và người vi phạm tùy tính chất mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Thảo Chi, Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp nhà trường, cho biết quy định "không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức và người lao động khi chưa được sự đồng ý" là điểm mới trong Bộ quy tắc ứng xử "Người Nhân văn". Việc bổ sung này dựa trên các quy định pháp luật Nhà nước về bảo vệ quyền (hình ảnh riêng tư) cá nhân trong các hoạt động.
Cũng theo thạc sĩ Thảo Chi, bộ quy tắc được ban hành nhằm mục đích điều chỉnh các ứng xử của viên chức, người lao động, người học và những người liên quan phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, văn hóa và điều kiện thực tiễn của nhà trường; xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường và môi trường giáo dục lành mạnh. Đồng thời, đây là căn cứ để kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý các hành vi ứng xử tiêu cực phát sinh trong quá trình hoạt động.
"Các quy tắc đều được xây dựng căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành", đại diện trường khẳng định.
Giảng viên, sinh viên: Đồng tình nhưng vẫn băn khoăn
Bình luận về điểm mới của bộ quy tắc này, một giảng viên của trường cho biết quan điểm không phản đối nội dung bộ quy tắc ứng xử này vì nó cũng thể hiện sự tôn trọng người học dành cho người dạy, học trò với thầy cô. Đặc biệt trong môi trường mạng xã hội phổ biến như hiện nay, quy định này được áp dụng phần nào đó giúp giảm áp lực cho người đứng lớp trước những lo ngại với những tình huống sơ suất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, giảng viên cho rằng thời gian qua trên mạng xã hội có nhiều clip ghi lại tình hình giảng dạy của nhiều cơ sở giáo dục, phản ánh đúng thực trạng. Nhiều vụ việc được xã hội quan tâm và giải quyết triệt để khi các clip được tung lên mạng. Do đó, giảng viên bày tỏ sự băn khoăn trước việc hạn chế ghi âm, ghi hình trên giảng đường.
"Ngoài ra, nếu như sinh viên chỉ muốn ghi hình để làm món quà bất ngờ tặng giảng viên nhân dịp gì đó cũng khó khăn hơn, vì tôi cũng từng được nhiều sinh viên chụp hình "lén lút", ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu của cô và trò nên tôi sẽ thấy thương một chút cho sinh viên", giảng viên chia sẻ.
Từ góc nhìn người học, một sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: "Quy định này vừa thể hiện sự văn minh, tôn trọng người khác nhưng đồng thời cũng thể hiện sự khắt khe trong bối cảnh sử dụng điện thoại phổ biến như hiện nay".
Sinh viên này nói: "Ngay trong lớp học, sinh viên sử dụng điện thoại để chụp ảnh nội dung giảng bài, tài liệu được chiếu lên màn hình học tập, ghi âm lại bài giảng… Theo em, trường có thể vẫn giữ quy định không ghi âm, ghi hình, chụp ảnh người học, viên chức và người lao động khi chưa được sự đồng ý nhưng bổ sung thêm ý - ngoại trừ phục vụ việc học tập".